Tháng 10-2023, gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, được không?
Tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu đã rút ‘thẻ vàng’ với ngành thủy sản Việt Nam. Dự kiến, tháng 10-2023 tới, Ủy ban châu Âu sẽ có lần thứ tư đánh giá những nỗ lực của Việt Nam để xem xét gỡ thẻ vàng.
Sáng 10-6, tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt”. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện các cấp chính quyền, ngành chức năng, chuyên gia về luật biển, thủy sản và ngư dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
EC đánh giá cao quyết tâm gỡ thẻ vàng của Việt Nam
Theo hầu hết các ý kiến, sau gần 6 năm thực hiện bốn nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), đến nay đã có những kết quả khả quan.
Đó là khung pháp lý đã tương đối hoàn thiện, việc quản lý, theo dõi, giám sát đội tàu cá của Việt Nam đã tương đối đồng bộ, với gần 98% tàu cá dài trên 15m được lắp thiết bị giám sát hành trình. Đó là chuyện thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính đã được làm nghiêm.
“Trong năm 2022 và 2023, số hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu bị trả về vì không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rất ít, mỗi năm chỉ 2-3 lô hàng”, ông Nguyễn Quang Hùng – cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn – thông tin.
Còn ông Lê Tòng Văn, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết đến nay về cơ bản tỉnh này đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đầu năm 2023 đến nay không có vụ việc nào xảy ra.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết qua 3 lần kiểm tra tại Việt Nam, EC đánh giá cao những kết quả phòng chống IUU mà Việt Nam đạt được, trong đó đặc biệt ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam với sự vào cuộc từ trung ương đến địa phương và chính ngư dân.
Giải pháp gốc là chuyển đổi ngành nghề
Tuy vậy, các ý kiến cũng nêu rằng để gỡ thẻ vàng của EC vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là 100% tàu cá phải được đăng ký, theo dõi và cập nhật cơ sở dữ liệu. 100% sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải đảm bảo được khai thác hợp pháp.
Và từ nay đến tháng 10-2023 – thời gian dự kiến EC sẽ sang Việt Nam giám sát, kiểm tra lần thứ tư – phải kiên quyết không để tàu cá nào vi phạm.
Các ý kiến cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua và hiện tại vẫn còn trong việc gỡ thẻ vàng. Đó là nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Việt Nam cạn kiệt, giảm rõ rệt nên vẫn có ngư dân cố tình vi phạm vì lợi ích kinh tế, là lực lượng giám sát mỏng.
Đáng chú ý, vùng biển giữa Việt Nam và Indonesia tuy đã ký đường phân định vùng đặc quyền kinh tế vào tháng 12-2022 nhưng đến nay chưa có hiệu lực, trong khi đây là vùng biển “nóng” nhất của tình trạng vi phạm IUU.
Đặc biệt, một ý kiến nói rằng “không loại trừ khả năng ngư dân Việt Nam thông qua một số đầu nậu, thỏa thuận với lực lượng chấp pháp của nước sở tại để được đánh bắt trái phép”.
Đại tá Nguyễn Văn Thống, phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho hay không phải đến hiện nay ngư dân Việt Nam mới xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt, mà đã có từ những năm 1980. Do đó cần phải có giải pháp gốc, phòng chống IUU bền vững.
“Giải pháp gốc để gỡ thẻ vàng là phải chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con ngư dân, lo sinh kế cho bà con ngư dân. Việc này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Như vật mới phòng chống IUU bền vững được”, đại tá Thống nói.
Ngư dân Tạ Thái Sơn (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng khẳng định ngư dân nói chung ai cũng đồng tình, ủng hộ và cùng thực hiện gỡ thẻ vàng bởi ai cũng muốn bán được thủy sản giá cao. Muốn bán giá cao thì phải xuất được sang châu Âu.
nguồn: tuoitre.vn