Triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP.HCM 2023 (HCMC FOODEX 2023) diễn ra từ ngày 28-30/6/2023 sẽ quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và quốc tế…
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM, đóng góp 14 – 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm thành phố không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, dưới tác động khó khăn chung của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu sụt giảm mạnh so cùng kỳ.
Chia sẻ tại buổi họp báo về “Triển lãm quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP.HCM 2023 (HCMC FOODEX 2023), ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Tư TP.HCM (ITPC), cho biết Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đang được nhiều nước quan tâm trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Điều này đã mang lại nhiều cơ hội và lợi thế phát triển cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 4/2023 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 15,6 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm 19,8% so cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của thành phố giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.
“Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm cần nhất trong lúc này là các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi, vượt qua khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông Lữ nói.
Theo đó, ngày 28/6/2023 tới đây, HCMC FOODEX 2023 sẽ được tổ chức tại TP.HCM với sự góp mặt của hơn 200 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cùng 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm lương thực thực phẩm, thiết bị công nghệ máy móc chế biến, đóng gói và bảo quản.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), mặc dù nằm trong nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhưng ngành lương, thực thực phẩm vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ lạm phát, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực trên thế giới. Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
“Ở thị trường nội địa, mặc dù doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến thương mại nhưng sức mua vẫn còn yếu. Chỉ số tiêu thụ lương thực thực phẩm (bao gồm bán buôn và bán lẻ) đã giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022”.
Do đó, trong khuôn khổ hội chợ, triển lãm sẽ diễn ra các hoạt động kết nối giao thương B2B với 3 phiên kết nối chính giữa doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm với các đơn vị phân phối, siêu thị hiện đại; giữa doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm với và kênh thương mại điện tử; giữa doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm với và nhà mua hàng (buyers) quốc tế.
Ngoài ra, triển lãm cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm về các chủ đề như: “Xu hướng và công nghệ mới trong ngành thực phẩm chế biến”; “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm vào thị trường Trung Quốc”; “Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp lương thực thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu”; “Tương lai của thực phẩm xanh, sạch và phát triển bền vững”.
nguồn: vneconomy.vn
Hi, this is a comment.
To get started with moderating, editing, and deleting comments, please visit the Comments screen in the dashboard.
Commenter avatars come from Gravatar.